Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Hẹn nhau ở Sa Pa


Khi còn trẻ, tôi chỉ thích ra biển. Về già tôi lại thích được lên núi:)

Đúng vào tuần mưa bão, bạn từ thời học cấp 3 Gang Thép gọi điện rủ tôi đi Sa Pa cùng hội. Tôi bảo bạn, tuần trước tớ định đi, gọi điện hỏi mua vé tàu nằm đâu có? Bạn bảo, cậu cứ đi đi! Vé để tớ lo. Lướt qua lịch ngày đó còn trống, tôi gật đầu cái rụp. Đồng nghiệp của tôi thì gàn thật lực, khi biết tôi sẽ đi Sa Pa vào những ngày bão lũ như thế này. Các bạn ấy bảo, đừng đi! Mùa này mùa lũ quét, không sợ à? Tôi không thích trước chuyến đi bị gàn, nhưng không vì thế mà tôi giảm đi phần yêu quí các bạn ấy. Chẳng qua là các bạn ấy lo lắng cho tôi mà thôi.

 Đoàn của chúng tôi hơn 30 người. Một nhóm xuất phát từ Hà Nội. Một nhóm xuất phát từ Thái Nguyên. Hẹn gặp nhau ở Sa Pa. Ai thích mang vợ/ chồng/ con cái đều được hoan nghênh chào đón. Nàng nhà tôi rất tiếc, khi không thể đi cùng mẹ trong chuyến đi này. Vì nàng phải đi tập quân sự ở Vĩnh Yên mất một tuần.
 Lên tới Lào Cai, bạn cùng đồng nghiệp ra đón chúng tôi. Đưa chúng tôi đi ăn sáng ở một quán đối diện ngã ba sông - Nơi sông Nậm Thi hợp lưu với sông Hồng cùng chảy về đất Việt. Bạn bảo: Các cậu ở dưới xuôi, ăn phở bò mãi rồi. Hôm nay, tớ dẫn các cậu đi ăn phở trâu. Phải công nhận, phở trâu ở Lào Cai ngon tuyệt! Tấm chân tình của người đang sống tại Lào Cai còn tuyệt hơn rất nhiều!

Tiết trời Lào Cai thật dễ chịu. Rất may bão đã chuyển hướng, nhường cho chúng tôi có được những ngày tụ họp trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu như thế này. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Chúng tôi như được trở về gần 30 năm về trước. Cái thời chúng tôi bằng đúng tuổi con cái của chúng tôi bây giờ. Trẻ trung, xinh tươi, yêu đời.
Lên tới Sa Pa mới biết, hoá ra tửu lượng của tôi không tệ chút nào. Chẳng biết có phải vì tấm chân tình của các bạn Lào Cai dành cho chúng tôi hay không, mà chúng tôi uống hoài, uống mãi vẫn chẳng có ai bị say. Ăn uống, hát hò, nhảy múa xong. Chúng tôi bắt đầu đi khám phá Sa Pa về đêm. Cuộc sống ở Sa Pa thật chậm. Quá đỗi bình yên!
Chúng tôi lang thang trên những con phố vắng ở Sapa một hồi. Rồi bị níu chân bởi mùi ngô nướng thơm phức ở một quán nướng ngay bên cạnh nhà thờ  Đá. Khí hâu ở Sa Pa một ngày bốn mùa, buổi sáng mát mẻ, dễ chịu như mùa Xuân, trưa nắng như Hè, còn ban đêm thì lạnh như mùa Đông. Chúng tôi co ro trong cái rét đêm ở Sa Pa. Tôi nói với chị chủ quán, cho chúng tôi một lò than sưởi ấm ngay, không chúng tôi chết rét mất. Đêm đã về khuya, giọng chúng tôi lúc trầm lúc bổng. Một trận mưa đêm bất chợt đã nhắc nhở chúng tôi, phải kết thúc một ngày tụ họp.
Chúng tôi không muốn rời Sa Pa. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải tàn. Chúng tôi phải xuống núi.Trưa hôm đó, chúng tôi có một buổi bịn rịn chia tay ở Lào Cai. Để các bạn Thái Nguyên phải về trước. Còn chúng tôi, vẫn còn một cuộc "trà dư tửu hậu" trước chuyến tàu đêm trở về Hà Nội.

Tôi sẽ còn nhiều dịp phải lên Sa Pa. Để được lang thang trong các bản làng của người dân tộc. Lượn lờ trên những con phố quá đỗi thân quen ở Sa Pa. Để tìm lại một chút gì đó cho riêng mình. Vì tôi biết, tôi đã chót nặng lòng với Sa Pa!

P.S. Cảm ơn bạn Tú Anh rất nhiều! Cảm ơn sự nhiệt tình của bạn và em Hoàng! Bạn chính là lí do để chúng tớ có dịp hẹn nhau ở Sa Pa:)

 Bên kia là Hà Khẩu - Hợp lưu giữa sông Nậm Thi và sông Hồng
Bình yên Sa Pa
 Rất chi là Sa Pa
Sưởi ấm giữa đêm hè
 Vận động viên leo núi
 Đường lên Cổng Trời
Tu viện Tà Phìn
Một nhóm thành viên trong đoàn


Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Những ngày mưa bão


Mới vào đầu tháng Tám mà đã có hai trận bão lớn đi qua. Tuy thiệt hại về người và của không nhiều. Nhưng mỗi lần bão tan, đều để lại trong lòng người những nỗi buồn se sắt, khi nhìn thấy cảnh tiêu điều xơ xác mà bão đã để lại cho con người.

Trận bão số 5 có tên là Jebi, đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 3 tháng 8. Tất cả các tàu thuyền du lịch tại Hạ Long đều không được ra vịnh. Khiến cho gia đình đồng nghiệp của tôi buồn tiu nghỉu khi bị hãng tàu trả lại tiền, có nghĩa là, họ phải huỷ chuyến ngao du ngủ đêm trên biển. Hôm đó là thứ Bảy, Hà Nội mưa tầm tã. Tôi nghe nói, mưa ngập ở một số tuyến phố. Vì là ngày nghỉ, nên buổi sáng tôi được phép ngủ dậy muộn. Ngoài trời mưa xối xả như trút nước. Ngủ dậy, tôi lên lầu pha cho mình một cốc cà phê không đường, rồi lại quay về phòng ngủ. Người ta thường nói " Cảnh sắc thiên nhiên thường hay ảnh hưởng tới tâm trạng con người " Trong ngày mưa bão đó, tuy không được "mở cửa ra cho nắng sớm vào nhà", hay "thả hồn theo những áng mây trôi", nhưng tâm trạng tôi vẫn rất phấn chấn yêu đời.Tôi bật nhạc, lắng nghe và cảm nhận tiếng đàn piano thánh thót, hoà lẫn cùng tiếng mưa rơi. Cảm giác thật lặng lẽ dễ chịu vì mình đã có những giây phút thảnh thơi, nhẹ nhàng đến thế. Nghe tới bài Comme Toi, lòng tôi bỗng dưng trùng xuống. Tôi thường vẫn hay bị thay đổi cảm xúc như vậy mỗi khi nghe nhạc. Bởi vậy nên tôi thường thích nghe nhạc một mình, để cho mình được cuốn chìm theo dòng nhạc mà không bị ảnh hưởng tới người khác. Nghe tới bài Mal thì tôi bắt đầu cảm nhận được, cứ như nỗi đau của chính mình đang hiện ra trên từng phím đàn " Đau! từ đáy trái tim, ta buồn đau!" Tôi bất chợt nằm ườn ra, thả cảm xúc của mình theo từng nốt nhạc réo rắt . Nỗi đau đã qua bỗng dưng như đang hiện hữu. Ký ức lại ùa về, như một cuốn băng tua lại, chậm rãi, từ từ... Không muốn buông thả cảm xúc của mình thêm một chút nào nữa. Tôi bật dậy, thay quần áo xuống đánh xe ra khỏi nhà, tới phòng gym, bắt đầu một buổi hăng say luyện tập. Quên luôn một điều, bên ngoài trời đang mưa tầm tã. Bão chỉ đến có một ngày rồi đi. Ngày Chủ Nhật, mới sáng sớm thôi mà trời đã nắng như chưa từng được nắng bao giờ.

Cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền từ ngày mùng 7. Suốt ba ngày liền, chỉ có mưa, mưa và mưa. Hôm qua trời mưa to như vậy, tôi vẫn phải đi công tác Thái Nguyên. Nói là công tác cho oách, chứ vừa đi, vừa về và gặp măt làm việc vẻn vẹn chỉ có 4 tiếng đồng hồ là tôi đã lại có mặt ở Hà Nội. Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào chính ngọ, lúc trời mưa nặng hạt nhất. Chiếc cần gạt nước thoăn thoắt gạt lên gạt xuống liên tục mà nước vẫn xối xả đập vào mặt kính.Tôi ngồi ghế trên cùng cậu lái xe, nói chuyện cùng cậu ấy cho cậu ấy đỡ buồn ngủ, để lái xe cho an toàn. Thỉnh thoảng cũng bị giật mình, vì tưởng chừng nước sắp hắt vào mặt mình. Cậu lái xe có vẻ đã quá quen với kiểu lái xe trong những lúc trời mưa lớn như thế này, chỉ sau 1h 30 phút đi từ Hà Nôi, chúng tôi cũng đã có mặt ở Thái Nguyên. Quay về Hà Nội sau hơn một tiếng làm việc. Hầu hết các tuyến phố chính vào Hà Nội đều đã bị ngập. Nhìn những chiếc xe bị chết máy vì ngập nước, được đẩy đi dưới trời mưa tầm tã. Lòng tôi lại cảm thấy se sắt. Ước gì mưa có thể ngớt ngay lúc này. Để tôi không phải chứng kiến cảnh Hà Nội bị ngập từ trong nhà ra ngoài ngõ như vậy. Ước gì hệ thống thoát nước của thành phố được tốt hơn một chút, ước gì...ước gì...

Cầu mong cuối tuần sau trời đừng có mưa bão gì nữa. Để chúng tôi lên đường đi Sapa một chuyến.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Làm quí nhân của chính mình


Tôi có một cô bạn thân, tính tình rất hay, sống chan hoà với mọi người và không thích bon chen. Chục năm trước, bạn tôi chẳng biết chút gì về thương trường. Bạn an phận đi làm cho một cơ quan nhà nước. Sau khi lấy phải chồng giàu, nhưng ki bo có tiếng. Mọi chi tiêu của bạn ý trong gia đình gần như chỉ chi tiêu bằng đồng lương của chính mình. Khi có con rồi, anh chồng hàng tháng cũng chi thêm cho chút tiền sữa cho con và tiền điện, nước. Bạn tôi là người sống vì con, luôn dành cho con mình những gì tốt đẹp nhất, còn mình sống hết sức giản đơn. Từ khi có con, bạn chi tiêu "mạnh" tay hơn một chút ( cho con chứ không phải cho mình). Với cách chi tiêu của bạn, thì tiền lương và cả tiền trợ cấp của chồng đôi lúc vẫn không thể đủ.Thỉnh thoảng, cần chi tiêu một khoản lớn hơn một chút, bạn lại gọi cho tôi "ứng" trước. Rồi lĩnh lương lại trả. Bạn làm nhà nước khoảng bảy tám năm thì không chịu được nữa, bỏ ra ngoài kinh doanh. Có chồng đại gia nhưng vốn để kinh doanh bạn ý cũng phải vay mượn từ bạn bè và vay vốn ngân hàng. Từ vốn nhỏ, dần dần đến vốn lớn. Mặc dù hàng tháng phải trả lãi ngân hàng không ít. Nhưng bạn kinh doanh cũng khá thành công. Mặc dù đợt vừa qua bạn cũng liêu xiêu "kéo cày" trả nợ, nhưng do bạn chăm chỉ làm việc nên cuộc sống vẫn khá ổn định.
 Bây giờ, cứ mỗi khi bọn tôi ngồi cà phê cùng nhau ôn chuyện xưa, bạn lại bảo, bạn thật may mắncó "Quí nhân phù trợ" nên cuộc sống mới được như vậy. Tôi bảo với bạn, mọi người khác thì tôi không biết. Nhưng với bạn, tôi thấy may mắn chỉ là một phần rất nhỏ, mà phần lớn là do sự nỗ lực của chính bạn và do cách sống của bạn. Hễ có thể giúp được ai là bạn hết sức nhiệt tình giúp đỡ mọi người mà chẳng vì một mục đích gì. Bởi thế nên bạn mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Hôm nay, tôi đọc được một bài này trên mạng. Tôi lại lôi xuống dịch để chia sẻ cùng mọi người.


Làm quí nhân của chính mình

(Hsiang dịch)

Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra tại nước Mỹ:

Vào một đêm mưa to, gió lớn. Một cặp vợ chồng già bước vào sảnh của một khách sạn, họ muốn thuê phòng ở qua đêm. Nhân viên lễ tân trực đêm ái ngại nhìn họ nói " Thành thực xin lỗi ông bà, tất cả các phòng trong khách sạn hôm nay đã có đoàn đến họp từ buổi sáng đặt hết mất rồi. Thông thường, khi khách sạn hết phòng, tôi sẽ đưa hai vị tới khách sạn khác. Nhưng tôi không thể tưởng tượng, trong lúc mưa to gió lớn như thế này, ông bà lại phải đội mưa đi. Liệu ông bà có thể ngủ lại ở phòng của tôi được không? Tuy phòng không được hào nhoáng, nhưng rất sạch sẽ. Vì tôi đang phải trực đêm, nên tôi sẽ ở lại nơi làm việc". Chàng trai rất chân thành đề nghị đôi vợ chồng già ở lại. Đôi vợ chồng già  vui vẻ nhận lời đề nghị của chàng trai và xin lỗi về việc đã gây nên sự bất tiện cho anh.

Ngày hôm sau, trời quang mây tạnh. Khi ông già ra trước để thanh toán tiền. Quầy lễ tân vẫn là chàng trai trực từ đêm hôm trước. Chàng trai rất thân mật nói với ông già " Hôm qua ông bà ở phòng đó không phải là phòng dành cho khách, bởi vậy nên tôi sẽ không thu tiền. Hy vọng tối qua ông bà đã có một giấc ngủ ngon!"

Ông già gật đầu khen ngợi " Tất cả các ông chủ khách sạn đều mong ước có một người nhân viên như cậu! Có lẽ vào một dịp nào đó, tôi có thể giúp cậu xây khách sạn!"

Vài năm sau, anh nhân viên đó nhận được một bức thư đảm bảo từ một người đàn ông. Trong thư có nhắc đến chuyện xảy ra vào cái đêm mưa to gió lớn đó. Ngoài ra, còn gửi kèm theo một giấy mời và một tấm vé khứ hồi mời anh đi New York chơi một chuyến.

Sau vài ngày ở Manhattan, chàng trai gặp lại người khách năm xưa ở ngã tư phố 5 và phố 34. Ở ngã tư đó, có một toà nhà cao tráng lệ vừa mới xây xong.

Ông già nói: " Đây là khách sạn tôi xây vì cậu, hy vọng cậu sẽ đến giúp tôi kinh doanh, cậu còn nhớ chứ?" 

Chàng trai vô cùng kinh ngạc, lắp bắp hỏi : " Ông có điều kiện gì không? Tại sao ông lại chọn tôi? Rốt cuộc ông là ai? "

"Tôi tên là William Waldorf Astor, tôi không có bất kỳ điều kiện nào cả. Tôi đã nói rồi, cậu chính là một nhân viên mà tôi muốn tìm  ".

Khách sạn này có tên là Waldorf-Astoria Hotel. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1931. Vinh dự là biểu tưởng của New York. Và cũng là khách sạn các đoàn quan chức cấp cao của các nước lựa chọn để ở mỗi khi họ đến thăm New York. Khi đó, người  tiếp quản công việc nhân viên phục vụ đó chính là George Bold, người đã đặt nền móng cho sự phát triển của thời đại Waldorf.

Thái độ như thế nào đã khiến cho số phận của chàng nhân viên phục vụ thay đổi?
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là do anh ấy đã gặp được " Quí nhân" . Nhưng nếu đêm hôm đó, nhân viên trực đêm lại là một người khác, liệu có kết quả tương tự như vậy?

 Đời người có rất nhiều nhân duyên, mỗi nhân duyên đều có thể hướng tới những đỉnh cao khác nhau. Không nên bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể giúp đỡ người khác. Học cách nhiệt tình giúp đỡ bất kể người nào. Học cách giải quyết mỗi một sự việc đều có thể thành một cơ hội. Tin tưởng rằng, chúng ta sẽ là quí nhân của chính mình.

Bài gốc tại đây

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Tôi nói gì khi nói về Murakami


Tôi vừa kết thúc buổi tập Body Combat Demo mới (Một loại boxing theo nhạc). Mồ hôi ướt sũng bộ quần áo tập. Ướt như tôi vừa được dầm mình dưới một trận mưa lớn. Đầu tóc tôi bê bết mồ hôi. Mệt! Mệt tới mức khiến tôi cứ phải há miệng thở dốc, giống như một chú chó đang ngồi há miệng thở hổn hển. Mệt, nhưng thật đã!
Huấn luyện viên luôn nhắc nhớ chúng tôi, không được ngồi ngay sau khi tập. Vậy nên mặc dù mệt đứt hơi, tôi vẫn phải đi lại loanh quanh trong phòng tập, đợi cho ráo mồ hôi. Bất chợt, tôi nghĩ đến Murakami. Nhớ đến một câu ông trích dẫn trong cuốn tự truyện " Tôi nói gì khi nói về chạy bộ " của ông. Khi ông đọc một bài báo, phỏng vấn một người chạy marathon nổi tiếng, nói về bí quyết để có thể chạy được 26,2 dặm " Đau đớn là không tránh khỏi, đau khổ là tự nguyện", người vận động viên đã luôn nghĩ đến câu đó, trong lúc ông ấy quyết tâm chinh phục những chặng đua Marathon. Sẽ có người nghĩ, thật kỳ lạ, chẳng liên quan! Bạn đang đi tập gym, sao bạn lại nói về Murakami?

Nhắc đến Murakami, chắc hẳn rất nhiều bạn đọc sẽ nghĩ ngay, ông là một nhà văn nổi tiếng, là tác giả của những cuốn tiểu thuyết bán chạy như tôm tươi, như Rừng Na Uy, Người tình Sputnik, Nhảy nhảy nhảy, Kafka bên bờ biển, 1Q84.... Nhưng với tôi bây giờ, mỗi khi nhắc đến Murakami, tôi sẽ nghĩ ngay, ông là một người chạy bộ cừ khôi trước khi nghĩ, ông là một nhà văn nổi tiếng. Trước đây, tôi cũng vậy. Tôi chỉ biết ông qua những cuốn truyện ông viết. Tôi thích những cuốn truyện của ông bởi, những nhân vật trong câu chuyện của ông viết đều là những người có cuộc sống nội tâm, với những nỗi cô đơn sâu thẳm, một thế giới riêng mà ít ai có thể chạm được vào tâm hồn họ.


Tập gym bây giờ đã là một phần trong sinh hoạt hàng ngày của tôi. Tôi có được sự hăng say tập gym như bây giờ, phải nói rằng, đó là nhờ vào đọc cuốn tự  truyện của ông. Nhờ vào " Tôi nói gì khi nói về chạy bộ " của ông mà tôi đã giảm được gần năm cân trong vòng 6 tháng. Giảm cân một cách rất tích cực. Ăn nhiều, tập hăng. Chứ tôi không chọn cách giảm cân bằng nhưng phương pháp ăn kiêng như mọi người vẫn hay làm. Cậu huấn luyện viên nhắc nhở tôi, chị không nên giảm cân nữa, mà phải tăng thêm 1 cân nữa mới phải.

Hai năm trước, tôi đã đọc cuốn " Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" của ông. Lúc đầu, tôi chỉ đọc lướt vài trang, rồi vứt đấy. Sau đó, tôi đọc lại. Nó vẫn chẳng có ấn tượng gì sâu sắc với tôi. Ngoài việc, ông ấy là một người chạy bộ cừ khôi. Cho đến khi tôi bắt đầu bước vào chiến dịch tập gym để giảm cân. Tập gym thì tôi đã tập từ rất lâu rồi, nhưng chỉ tập theo kiểu vận động hàng ngày, sau nhiều giờ ngồi lì ở văn phòng mà thôi. Cho đến khi, tôi thấy trọng lượng cơ thể mình bắt đầu tăng lên vài kí. Và có thể sẽ còn tăng, nếu như tôi vẫn cứ mải mê với thú vui ăn uống để xả xì trét như thế này.Tôi bắt đầu nghĩ, mình không thể tập theo kiểu " cưỡi ngựa xem hoa" nữa. Mà tôi cần phải tập luyện để đốt hết lượng mỡ thừa trong cơ thể. Khi xác định mục tiêu, là tôi sẽ phải tập luyện một cách thật nghiêm túc.Tôi bắt đầu đi bộ trên máy. Lúc đầu, mục tiêu của tôi đề ra là, 3 cây số mỗi ngày. Có những hôm, mới đi được 2 cây, tôi đã chán nản và bỏ cuộc. Sau một vài tuần, tôi thấy việc đi bộ của tôi không khiến cho trọng lượng của tôi giảm được là bao. Tôi bắt đầu chuyển sang chạy. Chạy với tôi sao mà khó khăn thế. Tôi thấy mình dễ nản, thở dốc một chút là tôi bắt đầu bỏ cuộc.Tối hôm đó, tôi về nhà, lục cuốn truyện " Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" ra. Ngồi đọc một mạch một cách rất say sưa. Lúc đấy tôi mới thấy, tôi thật khâm phục ông. Một con người sống, làm việc với một ý chí kiên cường và bền bỉ. Qua cuốn tự truyện của ông, tôi lại càng nể phục hơn nữa, về cuộc sống quá ư là lành mạnh của một nhà văn nổi tiếng như ông. Tôi thầm nghĩ, ước chi mình sống qui củ bằng một phần rất nhỏ của ông thôi. Đã là tốt với tôi lắm rồi. Bắt đầu từ đó, mỗi khi tôi vừa mới tập đã thấy nản. Tôi lại nghĩ ngay đến ông. Đến hình ảnh một người đàn ông nhỏ nhắn,cơ thể rắn chắc. Một mình kiên trì trên đường chạy.  Và thế là, tinh thần tập luyện của tôi lại được củng cố lại ngay sau đó. Tôi cố hết sức mình để hoàn thành bài tập của tôi một cách hăng hái hơn.

Đọc cuốn tự truyện của Murakami, khiến tôi càng khâm phục ông hơn. Ông khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Khi biết rằng, trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, ông đã là chủ một quán rượu đang kinh doanh rất tốt. Không chỉ vậy, mà ông còn là một dịch giả tài ba, một vận động viên ba môn phối hợp...

Nói tóm lại, đọc gì bổ nấy! Vậy nên, bạn hãy đọc bất cứ cuốn truyện nào bạn thấy. Nhất là truyện của Murakami. Không bao giờ là thừa cả đâu:D