Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

"Người hùng" của mẹ

 
Mẹ tôi năm nay đã ngoài bảy mươi nên mắt không còn tinh tường lắm. Bà vốn bị cận nặng, lại sống chung với bệnh tiểu đường hàng chục năm rồi, khiến thị lực của bà đã kém lại càng kém hơn. Chúng tôi đã rất nhiều lần thuyết phục bà đi viện mắt trung ương khám và mổ đục thủy tinh thể, nhưng bà nhất quyết không đồng ý. Đã có vài bác bạn của bố mẹ tôi sau khi mổ mắt, thị lực cải thiện rõ rệt. Tôi đã nhờ các bác thuyết phục mẹ tôi làm tiểu phẫu, hy vọng mắt bà nhìn được rõ hơn, nhưng bà vẫn kiên quyết nói không với chuyện dao kéo.
Tuy sức khoẻ của mẹ tôi không được tốt lắm, nhưng có thể nói rằng, mẹ tôi là người phụ nữ khá may mắn. Bà có một đàn con, cháu đông đúc ở gần nhà nên suốt ngày tụ họp, quấn quýt bên bà. Điều may mắn hơn nữa là bà có một "vệ sĩ "  trung thành, luôn bên bà, tháp tùng bà mỗi khi có thể, và giúp bà giải quyết những tình huống xảy ra ngoài dự tính. Năm vừa rồi "vệ sĩ " của bà được các cháu phong danh hiệu "Người hùng" vì đã có công thầm lặng giải cứu " mỹ nhân" vài lần trong năm. 

 1. Như thường lệ, sáng nào mẹ tôi cũng đi chợ vào tầm 8 giờ. Một buổi sáng trên đường đi chợ, mẹ tôi gặp một người phụ nữ tuổi trung niên đứng bên cạnh chiếc xe máy cất tiếng chào bà. Sau đó cô ta nói với mẹ tôi rằng, mắt bà rất kém, nhìn không rõ đúng không? Cháu có quen một ông giáo sư chuyên về mắt có một loại thuốc đông y rất tốt, chỉ cần uống vài thang là mắt sáng ra mà không cần phải mổ. Mẹ tôi nghe đến câu mắt sáng mà không cần phải mổ thì vội hỏi cô ta địa chỉ của nhà ông giáo sư đó ngay. Cô ta liền nói, hiện nay nhà giáo sư đang hết thuốc. Nếu bà muốn mua cháu sẽ qua nhà chị họ cháu hỏi giúp bà. Nhà chị họ cháu ngay gần đây thôi, chị ấy vừa mới mua 5 thang cho mẹ chị ấy mà chưa dùng đến. Cháu sẽ bảo chị ấy để cho bà. Mẹ tôi có đôi chút lưỡng lự thì cô ta nói tiếp, nếu bà không tin, cháu dẫn bà ghé vào nhà chị ấy, hỏi mẹ chị ấy rồi mới quyết có mua hay không cũng được.
Mẹ tôi như bị cô ta thôi miên nên đi theo cô ta tắp lự. Vừa đi được một đoạn cô ta liền gọi với một người đang đi trên đường, ôi chị, em đang định qua nhà gặp bác. Bác này cũng đang muốn mua thuốc giống của mẹ chị nên bác ý muốn qua hỏi xem mẹ chị dùng thuốc thế nào? Có tốt hơn không? Cô kia vội nói, mắt mẹ chị tốt hơn hẳn, chị mới cắt thêm cho mẹ chị 5 thang, nếu em cần thì chị để cho em trước. Cô ta hỏi mẹ tôi có muốn mua không thì cô ta bảo nhà kia để lại cho mẹ tôi với giá 5 triệu một thang. Mẹ tôi bảo, tôi không mang tiền, cô ta nói không sao cháu chở bác về nhà lấy tiền rồi sang nhà cô kia lấy thuốc cũng được. Rồi cô ta chở mẹ tôi về nhà, đứng bên ngoài cửa chờ mẹ tôi lên phòng lấy tiền. Bố tôi đang ngủ, thấy mẹ tôi vào phòng lọ mọ mở tủ nên hỏi mẹ tôi làm gì vậy? Bà giấu bố tôi nên chỉ nói, em tìm giấy tờ nên bố tôi lại tiếp tục ngủ lười. Đếm tiền trong nhà không đủ, bà cầm một cuốn sổ tiết kiệm đi ra ngân hàng bên cạnh rút tiền. Mấy chị ngân hàng gần nhà đều quen mẹ tôi, nên hỏi bà rút tiền làm gì vậy? Mẹ tôi chỉ cười tủm tỉm không nói gì, nhìn ra ngoài cửa thấy một người phụ nữ đứng thập thò ở ngoài, các chị ấy lại hỏi, người quen của bà à? Mẹ tôi mới kể là cô ta đợi mẹ tôi rút tiền để trả tiền mua thuốc cho cô ấy.  Các chị ấy nói, bà ơi,  bà cẩn thận đấy, bà bị lừa rồi. Gần đây có rất nhiều trường hợp bị lừa rồi đấy. Mẹ tôi vô cùng hoang mang, sau một vài giây, bà đi ra cửa nói với cô kia rằng, tôi mang sổ tiết kiệm ra nhưng lại quên chứng minh thư ở nhà nên chưa rút được, cô cứ đợi ở đây tôi chạy về nhà lấy chứng minh thư. Bà chạy về nhà, nhìn thấy con trai ở phòng khách mà không thèm nhờ. Chạy lên phòng cầu cứu bố tôi, anh ơi, em bị lừa rồi! Rồi kể lể sự tình, bố tôi bật dậy khỏi giường, vội khoác áo đi tháp tùng mẹ tôi ra ngân hàng, vừa ra tới ngân hàng ông đã lên giọng quát. Nó đâu rồi? để tôi gọi công an đến xử lý. Cô ta thấy mẹ tôi kéo bố tôi đến và mọi người trong ngân hàng cũng chạy ra thì vội vã chuồn đi ngay. Mẹ tôi thống nhất với bố tôi là giấu các con không lại bị các con ' phê bình". Thế là bố tôi im lặng không kể với bất kể một đứa nào. 
Tối về tôi thấy giúp việc nhà em gái sang kể, cô ơi, hôm nay cháu thấy ông bà có chuyện gì ý, rất khó hiểu. Bà đi chợ hớt hải chạy về, rồi ông bà lại hoảng hốt chạy đi. Tôi liền bốc máy lên hỏi thăm bố mẹ tôi hôm nay ở nhà tình hình thế nào? Có chuyện gì không?  Hai ông bà đều trả lời, bố mẹ bình thường, không có chuyện gì! Suốt một tuần sau đó, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy bố tôi đề nghị giúp việc nhà em tôi tháp tùng bà mỗi khi đi chợ. Hóa ra là sau khi chuyện xảy ra, mẹ tôi rất lo lắng. Bà nói với ông là bà sợ bọn chúng rình rập gần nhà để trả thù, vì chúng biết nhà mình rồi. 
Im lặng được một thời gian, ông mới ngồi kể những mối lo của ông về bà cùng con gái rượu. Lúc đó cả nhà mới biết chuyện.

2. Hàng ngày, vào tầm xế chiều, bố mẹ tôi thường cùng nhau đi bộ ra công viên cạnh nhà tập thể dục. Một tối, sau khi đi bộ về, ăn uống xong ông bà lên phòng xem ti vi chán chê rồi mới đi tắm. Đến mười rưõi tối, bà lên giường mới phát hiện ra một chiếc khuyên tai quý giá của bà bị mất. Bà sốt sắng lục tìm trong phòng không thấy. Bà nói với ông, rất có thể em làm rơi ngoài công viên. Vì lúc ngồi ở ghế đá công viên vẩy tay, chắc là vẩy vào tai nên nó rơi xuống ghế. Ông lọ mọ tìm trong nhà một lúc không thấy. Lấy đèn pin rồi rủ cháu gái lớn đi cùng ông ra công viên tìm khuyên tai cho bà, nếu không bà lại xót của, ngủ không yên. Ra tới công viên tìm một hồi không thấy. Đang định về thì ông nhận được điện thoại của con trai thông báo, đã tìm thấy ở gần nắp cống trong nhà tắm. Ông về đến nhà, con trai liền đưa ông khuyên tai để ông mang vào phòng cho bà. Bà thấy khuyên tai ông đưa, mừng rỡ hỏi ông, anh tìm thấy ở đâu vậy? Ông bảo, em đoán chuẩn thật! Thấy đúng chỗ ghế đá nơi em bảo. Bà nhìn ông thán phục, rồi nói, em đoán chính xác mà! chỉ có rơi ở đấy thôi! Anh tuyệt vời thật!


Người hùng của mẹ vừa bước sang tuổi bảy mươi lăm.

" Nàng" e ấp bên "Chàng"- Nha Trang 11-2011


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Chuyện đàn bà

Sáng nay vào FB, đọc status của em Huyền xong, ngồi trong phòng một mình mà cười nghiêng cười ngả, may mà không có ai đi qua nhìn thấy mình đang cười một mình. Thấy em ý câu được nhiều page view quá mình cũng copy sang đây câu:).


Sáng sm như thường l, 5 phút tp trung chém gió ti căn bếp Văn phòng.
Ngi lng nghe hai đng chí n(Ms. Giang & Ms. Chi) buôn chuyn vi nhau:
- C
a nhà em có dài không?
- Không, ng
n thôi ch , nhưng mà mp lm.
-
, ca nhà ch cũng thế, không dài như ngoài.
(Ti
ếng đế- Ms. Hương)- Chng t không có thuốc kích thích đy mà.
  .......
K
ết qu: Các nàng đang buôn v chuyn t trng giá đ nhà

      • Phuong Thanh Huyen Hihi, em nhanh nh, đang làm gì thế
      • Thanh Okyhb d, hàng ngày vic đu tiên khi m máy là vào fb xem thông tin ca mi người, cái stt này làm em nh bui sáng thường ngày VPDB thế ;">
      • Nhachi Truong Huyn k vn thiếu nhé! Giang bước vào bếp, nhìn thy Chi vi reo lên và nói, ch Chi ơi, ca nhà em mc ri, thích lm ch ! tiếp đến Chi mi hi Giang...
      • Hong Thuong chet mat voi may ba chi :d

Phuong Thanh Huyen , thnh thong bay v đây buôn bán vi bn ch tí ri li đi em , :)

                           .........

 44 minutes ago · Like

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

HIWC Charity Bazaar

Hội chợ từ thiện năm nay tổ chức vào đúng một ngày nắng chói chang. Mình không mang mũ nón gì, lại  lượn lờ nhiều nên lúc về hơi bị tây tây một chút, chẳng biết say rượu hay say nắng nữa.

Sáng nay cố gắng đi sớm để xem có mua được món quà gì độc đáo hay ho nào không, nhưng hầu như các gian hàng của các Đại sứ quán đều bán đồ ăn và đồ uống. Vậy là mình có một ngày no và say, ngất ngây con gà tây.


 
 Năm nào Đại sứ quán Nga cũng có món thịt nướng mình yêu thích



Cơm rang hải sản và Sangria Cocktail của ĐSQ Tây Ban Nha


Sope của Mê - hi -cô


Bánh xèo Việt Nam


Hương vị Bắc Âu trong lòng Hà Nội


 Chụp hình cùng thổ dân Philippin


Món nướng của ĐSQ Nigeria


Tacos Malaysia


Món cơm trộn của Bangladesh

Năm nào nàng cũng vẽ mặt rất cá tính

No và say
Tỉnh táo giơ mẹt che nắng đi về

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Con hát mẹ khen hay:)





Trong mắt mình, ngoài một số lúc bất bình thường của nàng ra, còn đâu, lúc nào mình cũng thấy nàng ý thật tuyệt vời! :-)

Nàng là một cô bé cực fair, nói là làm, dù có làm được hay không, nàng ghét sự thất hứa. Vậy nên đừng có dại mà hứa hẹn gì với nàng rồi không thực hiện. Nếu không, bạn sẽ biến mình trở thành kẻ có tội với nàng.
Tuần tới là nàng thi xong học kỳ. Nàng bảo mẹ, thi xong nàng sẽ học nấu ăn và làm bánh. Nàng hứa với bạn, sẽ làm hai cái bánh đơn giản tặng bạn nàng rồi.

Nàng luôn là đứa con nghiêm khắc của mẹ. Thỉnh thoảng hai mẹ con đi trên đường, thấy đường phố vắng vẻ, không có ai. Mẹ ngẫu hứng yêu đời, hát hò nhí nhố vài câu rồi lắc lư, oánh mông theo điệu nhạc thì bị nàng nhắc nhở ngay. Mẹ ơi, trông mẹ kỳ quá! Sau đó nàng liền đi vọt lên trước, thể hiện sự không quen một người nhí nhố như mình. Những lúc nàng như vậy, mình lại cười nghiêng cười ngả, cười chảy cả nước mắt.

Thỉnh thoảng mình có vung tay quá trán một chút, thì lại được nàng nhắc nhở, mẹ ơi, chi tiêu vừa phải thôi! Từ khi thực hiện chính sách " thắt lưng buộc bụng " Nàng ít khi đồng ý cho mình mời nàng đi ăn nhà hàng. Mà nàng  chỉ khuyến khích tụ tập tại gia. Nàng bây giờ đã là trụ cột gia đình, nên mẹ có muốn làm gì, cũng phải thông qua nàng phê chuẩn rồi mới quyết. Mình nhớ, cách đây hai năm, trong một lần đi Hồng Kông, nàng rất thích một đôi giầy. Mẹ đồng ý mua cho nàng. Đến khi nàng lật giầy lên xem giá xong, lẩm bẩm tính sang tiền Việt xong, nàng lôi tay mẹ đi ngay và bảo mẹ không mua nữa! Mẹ bảo, không sao con yêu, mẹ mua tặng con được mà! Nàng vẫn nhất quyết kéo mẹ đi. Bây giờ mua cái gì cho nàng, nàng cũng phải ngó qua giá đã rồi mới quyết.

Cuối tuần vừa rồi, mẹ chèo kéo mãi mới mời được nàng ý đi ăn sáng. Nàng ý rất sành điệu, còn cầm theo một cuốn truyện thật dày đi để đọc. Mẹ bảo nàng rủ thêm bạn nào đi trượt patin cùng cho vui, nàng bảo rằng, Chủ Nhật bạn nào cũng đi học thêm, có ai ở nhà như con đâu mà rủ (khiến mẹ hơi áy náy).

Chủ Nhật tuần này có Charity Bazar, mẹ đoán chắc nàng cũng thích đi lắm (suy từ bụng mẹ ra). Mẹ bảo nàng là, có bài vở gì, con chịu khó cày cuốc trước đi con nhé! Chủ Nhật này mẹ con mình đi chơi. Nàng ý bảo, thứ Hai thi văn rồi, con không đi đâu! Mẹ lại gạ, cả năm có một lần, cày trước đi, Chủ Nhật chơi xả láng cho tinh thần thoảng mái, thi kết quả mới cao. Nàng vẫn chưa đồng ý, nếu nàng biết rằng, nàng không đi mẹ nàng sẽ kém vui thì kiểu gì nàng ấy cũng sẽ đi thôi!
                                                                                                              


Hôm nay nàng mát tính, để cho mình làm paparazzi cả buổi :)



Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Chuyện nhỏ khó quên

                                                    
                             Có những chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng thật khó quên!

Ngày xưa, tôi đã từng là một trong những khách hàng quen thuộc ở chợ Thành Công. Từ thời sinh viên, tôi hay la cà vào chợ ăn quà vặt. Rồi đến khi đi làm, đi lấy chồng, tôi vẫn thường xuyên qua chợ mua thức ăn về nấu. Một phần vì chợ có nhiều thức ăn tươi, ngon, một phần vì cũng tiện đường đi làm về. Cho đến khi tôi không còn ở gần khu đó nữa, năm thì mười hoạ tôi mới ghé qua chợ đó mua thức ăn vào dịp cuối tuần.

Gần chục năm đi lại ở cái chợ này, tôi quen hết từng hàng bán hoa quả, hàng bán là thơm, hàng quà vặt, cho đến hàng thịt, hàng tôm, hàng cá ở chợ. Có một chuyện buồn cười, kể it người tin, trừ mấy bà bán cá ở chợ Thành Công ngày đó.
Một buổi chiều muộn cuối Thu, tôi đi làm về, ghé vào chợ mua thức ăn. Tôi tới hàng bán cá để mua cá về nấu canh chua. Trong lúc đứng đợi bà bán hàng làm cá cho tôi. Tôi bị một con cá lóc đang bơi trong cái chậu sắt to phi lên đớp đúng vào đầu gối, máu chảy rất nhiều, còn tôi thì khóc chảy nước mắt vì sợ. Không có bông băng ở đó, tôi lấy tạm giấy ăn rịt vào vết thương. Về nhà lấy cồn ra rửa, bốn vệt răng cá hằn sâu ở đầu gối. Giờ vẫn còn nguyên bốn vết sẹo răng cá. Bà hàng cá bảo tôi "tại cháu mặc váy đỏ nên nó mới nhảy lên như vậy" rồi vô tình nó đớp đúng phải cái đầu gối của tôi. Hôm sau mẹ chồng tôi ra chợ "bắt đền" bà hàng cá:).

Chuyện thứ hai

Vào một chiều Chủ Nhật cách đây bốn năm, hai mẹ con nhà  Bông đi chợ Thành Công mua đồ ăn về nhà nấu. Vừa đỗ xe bước vào cổng chợ, bỗng có tiếng một cô gái gọi, cô ơi, cô ơi! Ngập ngừng, bỡ ngỡ một lúc, rồi tôi cũng nhận ra ngay đó là cô bé ăn xin ở khu Thành Công ngày nào. Bây giờ trông cô bé đã cao lớn, phổng phao, đẫy đà. Cô bé nhanh nhảu cầm ngay một quả lựu và một chùm nho ở quầy hoa quả của mình rồi nói, cháu mời cô và em! Em nhà cô bây giờ đã lớn thế này rồi ạ? Rồi cháu liến thoắng kể, cháu đã lấy chồng rồi, bây giờ cháu đi bán hoa quả, chồng cháu hàng ngày đứng ở chợ lao động Thành Công Láng Hạ, ai có việc gì gọi thì đi làm. Hỏi thăm cháu vài câu rồi hai mẹ con vào chợ. Bông ngạc nhiên hỏi, mẹ ơi, ai đấy mẹ? sao chị ấy lại cho con hoa quả? tôi liền kể cho con gái nghe câu chuyện ngày xưa.

Vào đầu thập niên 90, khi đó tôi vẫn còn đang ở phố Hai Bà Trưng, nhưng thỉnh thoảng chạy xuống mấy quán ở phố Đê La Thành ăn quà vặt. Một tối, tôi xuống đó ăn quà, gọi một tô phở, người hơi mệt nên trệu trạo nhai vài miếng rồi đứng dậy kêu tính tiền. Vừa đứng dậy ra trả tiền thì một cô bé chừng năm hay sáu tuổi, mặt mũi lem nhem nhưng đôi má hồng hào, mũm mĩm vội xà xuống ngồi ăn tiếp bát phở của tôi một cách ngon lành. Tôi lặng người trong giây lát, đứng nhìn cô bé ăn một cách say sưa, chẳng thèm quan tâm xem xung quanh có ai để ý đến mình hay không. Chị chủ quán bảo tôi rằng, đó là cô bé ăn xin ở khu này, bố mẹ nó ở quê ra, chẳng chịu làm gì, suốt ngày đẻ đái, làm gì có nhà mà ở, suốt ngày ngủ vạ vật ở vỉa hè, để hai chị em nó bé thế này đi ăn xin nuôi cả nhà năm miệng ăn. Cô bé ăn xong vội đứng lên lấy tay quẹt miệng. Tôi đưa cho cô bé mấy đồng rồi đi. Một thời gian sau mỗi khi vào chợ Thành Công, tôi lại nhìn thấy cô bé, thỉnh thoảng tôi lại dúi cho nó mấy đồng. Mấy bà, mấy chị ở chợ bảo, không phải cho nó, con bé này láo lắm, ai không cho nó hay lẩm bẩm chửi trong miệng lắm đấy!
Vài năm sau, cô bé lớn thêm một chút, nó không còn đi ăn xin nữa mà cả ngày ở trong chợ, ai có việc gì cần sai thì nó làm. Hôm thì thấy nó lăng xăng xách nước cho mấy bà hàng cá, hôm thì thấy nó lễ mễ bê đồ cho mấy chị hàng rau, hàng thịt. Khi đó tôi đang mang bầu Bông, mỗi khi  vào chợ xách nhiều túi đồ, nó thường chạy theo và nói, cô để cháu xách hộ, hoặc có hôm nó bảo tôi để xe và đồ một chỗ để nó trông giúp mà đi mua tiếp. Có hôm tôi không còn tiền lẻ, tôi bảo nó, hôm nay cô chẳng có gì cho cháu, nó vẫn vui vẻ chào tôi trước khi đi.
Một thời gian sau nó chuyển sang làm phụ giúp cho một chị ở quầy thịt lợn, mỗi khi tôi đi qua nó lại đon đả mời tôi mua hàng. Thỉnh thoảng tôi cũng vào mua thịt ủng hộ nó. Rồi tôi không còn gặp nó cho đến buổi đi chợ cùng Bông hôm đó.

Cách đây vài tuần, trên đường về nhà, trời se se lạnh, tôi rủ con gái sà vào quán Cay ăn ốc. Trời nhá nhem tối, hai mẹ con đang cần mẫn nhảy ốc thì thấy một người phụ nữ địu con đi tới mời mẹ con tôi mua kẹo cao su, tôi ngẩng đầu lên thì nhận ra lại là cô bé đó. Nó bảo tôi là, từ khi cháu có bầu rồi sinh con, cháu không thể đi bán hoa quả được nữa, vì lời lãi chẳng là bao mà không có ai trông con hộ. Vậy nên nó lại chuyển sang đi bán kẹo cao su dong, tiện thể trông con luôn.
Trên đường về nhà, hình ảnh cô bé ăn xin mũm mĩm, nhanh nhẹn từ ngày nào cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Gặp mặt Hội Gang Thép khoá 82-85


Dạo này, nhờ có những buổi gặp mặt với các bạn Hội Gang Thép khoá 82-85. Thỉnh thoảng mình lại có dịp được lên Thái Nguyên chơi. Thái Nguyên ngày xưa và Thái nguyên sau hơn một phần tư thế kỷ chẳng khác là bao. Vẫn con đường quốc lộ 3 chật hẹp ngày nào, chẳng còn phù hợp với thực trạng giao thông hiện nay, khi ngày nào cũng có một số lượng lớn các loại xe to, nhỏ tấp nập nối đuôi nhau lưu thông trên con đường này. Nếu so sánh với những tỉnh thành lận cận khác ở gần Thủ Đô, có lẽ Thái Nguyên là tỉnh phát triển cơ sở hạ tầng chậm nhất cũng nên. Từ mấy năm trước, tôi đã nghe nói, sắp có một con đường quốc lộ mới đi qua, nhưng không biết đợi đến năm nào tôi mới được đi trên con đường mới đó?

 Chúng tôi hẹn nhau lên Thái Nguyên vào đúng ngày khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế được tổ chức tại Thái Nguyên. Từ mấy hôm trước, Hội Thái Nguyên tại Hà Nội đã í ới hẹn nhau đi sớm. Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội từ 7 giờ, cùng nhau ăn sáng tại Sóc Sơn rồi đi lên khu du lịch sinh thái Thái Hải, Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Giữa núi đồi bao la, phong cảnh hữu tình, cây cối um tùm tươi tốt. Hơn một trăm bạn đã có mặt trong buổi gặp gỡ hôm nay. Mặc dù Hội khoá đã được giao lưu vài lần ở Hà Nội và Thái Nguyên, nhưng lần này quả là một dịp hiếm có khi được gặp mặt đông đủ các bạn như thế này.  Cảm ơn các bạn Thái Nguyên đã nhiệt tình tổ chức buổi gặp mặt vui vẻ và thành công này, hy vọng lần gặp mặt tới sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào một ngày không xa.

 
Phong cảnh nơi hẹn hò
 Hoa lạ - Hibiscus
 

Chụp ảnh giao lưu cùng cả Hội

Cùng các bạn lớp A4

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Murakami - Nhảy, nhảy, nhảy



Cầm cuốn truyện này trong tay, tôi đắn đo mất vài giây. Tự hỏi, mình có nên đọc nó vào lúc này hay không? Vì tôi biết, mỗi khi tôi cầm trong tay bất cứ cuốn truyện nào của Murakami, chưa biết hay, dở ra sao, nhưng chắc chắn một điều rằng, tôi sẽ bị cuốn vào nó. Rồi tôi sẽ phải tạm bỏ bê một số công việc hiện tại của mình, để lạc vào một thế giới rất riêng của Murakami, một thế giới đầy bí ẩn và lôi cuốn! Tôi thích đọc truyện của Murakami, một phần bởi tôi thích kiểu " viết  giống như mơ", chậm rãi, từ từ của ông. Cách viết của ông chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây hơn là phương Đông, nhất là âm nhạc và văn học. 
Tần ngần một lúc, tôi quyết định, sẽ đọc nó! Không bật máy tính, tức là sẽ không ngó ngàng đến lề trái, lề phải hay chỉ số VN index hôm nay lên hay xuống. Nhấp một ngụp cà phê nóng, pha nhạt theo kiểu quán Akatonbo mà tôi thường hay uống miễn phí mỗi khi qua đó ăn trưa. Tôi bắt đầu buổi sáng với nhảy, nhảy, nhảy cùng với ánh sáng tự nhiên trong một căn phòng tĩnh lặng, yên ả  được cách âm bởi một lớp kính dày.
 Murakami là một nhà văn có trí tưởng tượng phi thường khi mở đầu bằng một câu chuyện vừa thực vừa ảo xảy ra tại một khách sạn vô cùng bí ẩn, bí ẩn như chính cô người tình mà nhân vật chính xưng tôi trong truyện không hề biết đến tên thực của cô - khách sạn Cá Heo. Rồi đến những ám ảnh không nguôi về cô người tình ra đi không một lời báo trước. Sự kỳ bí của khách sạn cùng với những cái chết diễn ra hết sức bất ngờ, liên tiếp xảy ra trong một thời gian ngắn của một số nhân vật trong câu chuyện, đã ám ảnh nhân vật chính trong gần hết cuốn tiểu thuyết. Tôi cảm thấy, hầu như các nhân vật chính trong  truyện của Murakami đều có cuộc sống nội tâm, cô đơn, bí ẩn, luôn bị những ám ảnh trong cuộc sống "dày vò", trăn trở. Đọc truyện của Murakami, tôi luôn liên tưởng đến giai điệu những bài hát, bản nhạc vừa lạ, vừa quen văng vẳng bên tai.
 Kết thúc câu chuyện, nhân vật tôi đã trở về với cuộc sống hiện thực, cùng với một tình yêu mới, thực sự được bắt đầu từ câu chuyện về bóng tối ký bí ở hành lang tầng thứ mười sáu của khách sạn Cá Heo.
Mặc dù cuốn tiểu thuyết này không giống như tôi kỳ vọng ban đầu, nhưng tôi vẫn sẽ đón đọc những tác phẩm tiếp theo của Murakami!

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Hành hương Yên Tử


Hàng năm, cứ vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Mười hoặc đầu tháng Mười Một, văn phòng chúng tôi lại nhận lời mời đi leo núi Yên Tử  do Hội thương gia ở Hải Phòng tổ chức.

Tôi còn nhớ, vào Chủ Nhật ngày mùng 2 tháng 11 năm 2008, vào thời điểm cả Hà Nội đang phải sống chung với nước vì trận lụt lội lịch sử kéo dài vài ngày thì chúng tôi đi leo núi Yên Tử theo lịch đã được ấn định trước cả tháng trời. Từ hôm trước, đường Phạm Hùng vắng hoe vì đường bị ngập. Hầu hết các xe gầm thấp không dám đi qua vì toàn bộ tuyến đường này bị ngập khá sâu, nhất là đoạn Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hàng loạt xe chết máy đang phải xếp hàng chờ xe cứu hộ tới kéo đi. Đêm trước hôm đi, mưa mãi chẳng ngớt khiến tôi thật sự lo lắng. Tôi tự nghĩ, đi đâu hủy còn được, chứ đã hẹn đi leo núi lễ chùa thế này, mình không thể không đi khi mà lịch đã lên rồi! Vậy là sáng sớm hôm sau, tôi quyết định đánh xe ra khỏi nhà, mặc dù vẫn còn đang mưa rả rích. Năm giờ sáng, trời vẫn còn đang lờ mờ sáng, đường Mễ Trì chỉ ngập khoảng 40 đến 50 phân, nhưng ra tới đường Phạm Hùng thì tôi bắt đầu thấy run thật sự. Không một bóng người, tất cả trước mắt tôi là cả một vùng nước phủ rộng khắp. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi quyết định về số, nhấn ga phóng thật nhanh, nước té sang hai bên trắng xóa, chân nhấn ga, miệng thì rú lên vì sợ hãi, tốc độ phóng xe tỉ lệ với tiếng rú của tôi ở trong xe. Tôi nghĩ, nếu mà xe bị chết máy ở chỗ này, vào giờ này, có lẽ tôi sẽ phải vứt xe ở giữa đường mà lội nước về nhà mất thôi! Cũng may là đường vắng, không một bóng người nên tôi không phải giảm ga hay dừng lại ở bất cứ đoạn nào của con đường.  Mất khoảng chưa đến sáu phút, xe của tôi đã thoát khỏi được một quãng đường lụt lội sâu. Lên tới Yên Tử, trời vẫn còn mưa lất phất, gió thổi mạnh khiến tôi thót tim khi ngồi cáp treo nghe gió rít, buồng cáp hơi đung đưa, đường lên núi thì trơn trượt, nhưng chẳng làm chúng tôi nhụt chí leo lên đỉnh chùa Đồng. Ngẫm lại mới thấy, có lẽ tại tôi thành tâm nên Giời Phật thương không để xe của tôi chết máy giữa đường ngập lụt ngày hôm đó.

Năm nay, Văn phòng chúng tôi lại nhận lời đi leo núi định kỳ hàng năm vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Mười. Thời tiết Hà Nội hôm nay quá đẹp! Thích hợp cho một buổi leo núi thú vị! Năm nay cũng là năm đầu tiên Bông đi leo núi cùng mẹ. Nàng không thích leo núi mà chỉ thích đi biển để được bơi lội, lặn ngụp, đùa nghịch dưới nước. Mặc dù chúng tôi đi cáp cả hai chặng, nhưng Bông vẫn kêu quá mệt khi xuống núi. Thời tiết Yên Tử hôm nay cũng rất đẹp, lặng gió và khô ráo! Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa quyện với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với những cây đại cổ thụ, trúc, mai, hoa dại mọc ở hai bên đường. Hành hương Yên Tử, chúng tôi đi về cõi Phật linh thiêng, mang lại cảm giác bình yên cho tâm hồn. Khí hậu ở Yên Tử quá tuyệt vời! Đến cái cây ngọn cỏ cũng thấy tĩnh lặng, trong lành, sạch sẽ.  Vua Trần Nhân Tông quả là quá sáng suốt khi đã chọn nơi đây là chốn để tu hành.