Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Ăn, cầu nguyện & đi





Phải lòng Lhasa

Xuống tới sân bay Lhasa, chúng tôi về ngay khách sạn. Cậu hướng dẫn cho biết, mất khoảng một giờ xe mới vào tới Lhasa.
Hai bên đường từ sân bay tới Lhasa, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp cảnh sát vũ trang súng ống quanh mình, lính, trạm kiểm soát, cờ Đại lục bay rợp trời cùng với những băng rôn biểu ngữ sặc mùi "hô khẩu hiệu" được giăng lên ở rất nhiều nơi. Tây Tạng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Sẽ có diễu binh, diễu hành cùng rất nhiều hoạt động chào mừng ngày giải phóng. Chúng tôi là một trong những khách du lịch may mắn, vô tình được đứng bên đường xem các đoàn xe diễu binh biểu dương lực lượng đi trên phố. Đó là lý do vì sao dịp này Tây Tạng hạn chế người nước ngoài nhập cảnh.

Tôi phải lòng Lhasa ngay từ khi bước chân vào con ngõ rộng của khách sạn, nơi chúng tôi ở. Với lối kiến trúc mang đậm nét Tây Tạng, hoa văn màu sắc sặc sỡ nhưng vô cùng bắt mắt và cuốn hút, cùng với mùi hương trầm thoang thoảng toả ra từ sảnh của khách sạn. Khiến cho tôi có cảm giác rất thân quen, như mình đã thuộc về nơi này từ lâu rồi. Chứ không có bất kỳ một chút cảm giác bỡ ngỡ của người lần đầu được đặt chân đến mảnh đất thiêng này. Sau khi làm thủ tục check in, chẳng cần phải nghỉ ngơi,để làm quen với cái gọi là " phản ứng cao nguyên" như mọi người đã kể trước khi chúng tôi lên đường. Chúng tôi hẹn nhau, 30 phút sau gặp nhau ở sảnh khách sạn để cùng nhau đi ăn trưa. Cậu hướng dẫn đưa chúng tôi vào trung tâm phố cổ ở Lhasa, tìm một nhà hàng ăn trưa, ngồi cùng chúng tôi một lúc rồi chào tạm biệt, để chúng tôi ngồi lại đó ăn uống, rồi được tự do đi khám phá phố phường ở Lhasa buổi chiều và tối. Hẹn hôm sau, 9 giờ sáng sẽ đến đưa chúng tôi đi thăm các tu viện ở Lhasa. Chúng tôi ngồi trên nóc của tòa nhà đối diện với quảng trường, say sưa ngắm nhìn dòng người đi lại tấp nập mà nóng hết cả chân. Chỉ muốn ăn thật nhanh, để bắt đầu một hành trình khám phá vùng đất đầy linh thiêng và bí ẩn này.

Vừa bước chân vào một cổng đi vào quảng trường Barkhor , chúng tôi đã gặp một trong những chốt kiểm tra an ninh như ở sân bay. Balo túi xách đều phải cho vào máy soi kiểm tra. Bật lửa phải để lại, không được mang vào trong quảng trường. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa là, trên các góc của nóc nhà trước quảng trường, có vài người lính ngồi trực trong những cái lều dựng tạm . Dùng ống nhòm quan sát toàn bộ khu quảng trường. Bộ đàm luôn cầm trong tay. Tôi đã cảm nhận thấy, người Tạng không được tự do trên chính mảnh đất của mình!
Ăn trưa xong, chúng tôi bắt đầu đi bộ vào quảng trường Barkhor, điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú là những người dân ở nơi đây, trên gương mặt họ, ai ai cũng đều toát lên vẻ thật thà, hiền hậu. Họ đi bộ quanh quảng trường theo chiều kim đồng hồ, trên tay cầm chuỗi hạt hoặc maliluan ( quay luân hồi), vừa đi vừa cầu nguyện. Khiến cho tôi, vốn dĩ là một kẻ vô sư vô sãi cũng hòa mình vào dòng người miệng khẽ nguyện cầu " Oma Mani Padme Hum".
Chúng tôi vô cùng hào hứng, quên hết mệt mỏi, đi bộ trên từng con phố, xuyên vào các ngõ nhỏ tĩnh lặng để tận hưởng những khoảng khắc hiếm có trong đời.



















Đây là sân của khách  sạn tôi ở tại Lhasa. Cứ mỗi khi đi qua sân, nhìn thấy mấy cô nhân viên của khách sạn ngồi nghỉ trưa nói chuyện, lại khiến tôi nhớ đến cuốn truyện Người đua diều của nhà văn Khaled Hoseini.








Hoa trên ban công khách sạn







Một tốp lính đi tuần đã vô tình lọt vào ống kính của tôi



Đường phố ở quảng trường Barkhor buổi trưa khá vắng người

Đền Jokhang nằm ngay ở trung tâm khu quảng trường Barkhor






















Đã hơn 11 giờ đêm mà chúng tôi vẫn gặp một người đàn ông làm lễ nhất bộ nhất bái.