Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Tín hiệu mừng?


Vừa đọc xong bài này, tự dưng mình lại nghĩ đến chuyện du lịch ở Việt Nam. Đây chỉ là một trong những vô vàn "con sâu" đã, đang và sẽ tiếp tục làm xấu đi hình ảnh về đất nước con người Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. Rất mong Tổng cục Du lịch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những trường hợp chặt chém khách du lịch. Để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Chẳng cần nói đến du khách nước ngoài, du khách Việt Nam thỉnh thoảng cũng bị "chém" đẹp luôn! Mình đã từng bị "chặt chém" mất một vài lần khi đi du lịch ở các tỉnh khác và một vài lần vội nhảy nhầm lên tắc xi dù ở Hà Nội. Sau này có kinh nghiệm hơn, mình không còn buông xuôi, trả tiền cho qua chuyện nữa, mà phải mất công đôi co, hoặc thoả thuận rõ ràng ngay từ ban đầu để  không bị "chặt chém" một cách phi lý như vậy được.

Văn phòng mình hàng năm có không biết bao nhiêu đoàn khách sang Việt Nam. Khách sang du lịch có, khách sang công tác rồi tranh thủ đi du lịch cũng có. Đối với khách sang công tác rồi mới tranh thủ đi du lịch, bên mình thường giúp họ mua tour của các công ty có uy tin ở Hà Nội. Để họ tự đi. Còn đối với một số khách đặc biệt sang du lịch ở Việt Nam, mặc dù đã mua tour rồi, nhưng vẫn nhờ người ở văn phòng giúp đỡ hướng dẫn đi chơi khi họ ở Hà Nội. Một năm vài lần, mình phải đi làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ như vậy. Có đi mình mới biết. Mặc dù khách du lịch đã trả tiền mua tour đầy đủ, nhưng một số các dịch vụ khác ngoài chương trình của tour, du khách bị "chém" khùng luôn. Ví dụ như, một lần mình tháp tùng khách đi mua sắm ở Hà Nội xong, họ muốn đi xe điện quanh phố cổ một vòng. Mình đi mua vé thì cậu hướng dẫn viên gọi lại và nói. Chị để em mua, em thu của mỗi khách 150 ngàn đồng một lượt. Thực tế chỉ có 15 ngàn đồng cho một khách. Tôi nói với cậu ấy, chị không thể làm như vậy được. Vì khi chị đã đi cùng, thì chị sẽ là người chịu trách nhiệm mua vé cho tất cả khách của chị và đảm bảo cho họ, trong thời gian ở Hà Nội không bị chặt chém. Còn khi khách đi Hạ Long, em thu tiền thể nào là việc của em, lúc đó mọi thứ sẽ thuộc trách nhiệm của công ty em. Bởi vậy, khi nào cậu hướng dẫn viên đó nhìn thấy mình đi cùng đoàn, cậu ấy nhìn tôi mặt buồn rười rượi nói,  em lại đói khi ở Hà Nội gặp phải chị rồi. 

 Nhiều lần, khi mình lên sân bay tiễn khách đi tour ở Việt Nam về nước. Mình hỏi họ có hài lòng với chuyến du lịch vừa rồi không? Ai khách khí một chút thì nói " cũng được". Còn rất nhiều người phản ánh với mình rằng, dịch vụ ở Việt Nam kém quá, mà thu tiền thì không hề rẻ chút nào. Thôi, chỉ đi một lần cho biết thôi! và còn rất nhiều chuyện buồn mà du khách gặp phải mà mình không tiện nói ra đây. 

Nói tóm lại, đọc xong bài này, mình thấy đó là một tín hiệu mừng từ cơ quan quản lý. Cần phải giảm bớt các tệ nạn " chặt chém" du khách nếu Việt Nam muốn khai thác tiềm năng du lịch và để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa. Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ ra, thì cần phải nâng cao hơn nữa công tác quản lý du lịch và ý thức của mỗi một người dân cũng cần phải " nâng cấp". Thì mới có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực được


2 nhận xét:

  1. Àh , Chuyện này thì đã trở thành truyền thống của ngành du lịch việt nam rồi chị. Mà đã là truyền thống thì chỉ có phát huy thôi. Các ông quản lý như bắt cóc bỏ dĩa, bọn em làm du lịch 10 năm ròi, càng lúc càng nản. Cũng đang cố gắng hy vọng đây chị ơi! (nhưng chắc là nhiệm vụ bất khả thi).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vừa le lói chút hy vọng nghe em nói mà buồn quá! Quả thực mấy ngày gần đây,đọc tin tức, chỗ nào cũng thấy hai từ " chặt chém".Đạo đức con người ngày càng xuống cấp trầm trọng:(

      Xóa