Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Chuyện bây giờ mới kể(2)

Định bụng viết một loạt bài "chuyện bây giờ mới kể" để sau này còn có chuyện mà nhớ, nhưng mới viết được một bài thì bắt đầu bước vào chu kỳ bận rộn của năm. Đến hôm nay mới lại viết tiếp được. Tuy rằng viết rất lộn xộn nhưng cũng phải viết nhanh kẻo sắp già lại quên mất!

Trong suốt thời gian Bông đi học cấp 1, mẹ chưa bao giờ gây áp lực cho con gái về chuyện học hành và nói "không" với việc học thêm. Giờ tan học của con gái sớm, nên mẹ phải nhờ bác xe ôm ở gần nhà bà đón Bông vào các buổi chiều. Còn mẹ thì đưa con đi học vào các buổi sáng.
Lên cấp 2 thì có xe của trường đưa đón. Ban đầu mẹ thấy hơi buồn khi không được đưa con đi học. Vậy nên năm đầu tiên Bông học cấp 2, mẹ thường đi bộ cùng con gái ra tận bến xe, làm thủ tục tạm biệt nhau xong rồi mẹ mới đi thể dục tiếp. Thường thì bốn rưỡi chiều Bông về đến nhà, còn mẹ thì gần sáu giờ mới tan. Vậy nên mẹ hay gọi điện cho con gái vào tầm gần năm giờ chiều để hỏi thăm tình hình trong ngày của con gái như thế nào? Hồi học lớp 3, có hôm mẹ gọi điện về, nghe thấy giọng con gái hơi lo lắng, không vui, mẹ liền hỏi, hôm nay có chuyện gì vậy con yêu? có chuyện gì không vui à? Con gái giọng mếu máo nói với mẹ. Mẹ ơi, hôm nay toán con được điểm không cao. Mẹ liền bảo, ôi tưởng chuyện gì, hoá ra là chuyện bình thường mà con! Học thì phải có lúc điểm cao điểm thấp chứ! Làm sao mà lúc nào cũng được điểm cao được! Con gái hỏi mẹ, thật vậy hả mẹ? Rồi nàng tươi tỉnh hẳn lên.
Một hôm, mẹ lái xe chở con gái đi trên đường, hai mẹ con đang rôm rả nói chuyện. Sau đó con gái liền thổ lộ: Mẹ ơi, nhà mình thật khác với nhiều nhà mẹ ạ! Mẹ hơi chột dạ, nhưng cũng quay sang hỏi ngay con gái: Sao lại khác hả con? Với lại, khác ở điểm nào nhỉ? Bông bảo, nhà bạn N, chỉ cần bạn ấy bị điểm 7 thôi là về bị mẹ bạn ấy mắng rồi. Vậy mà nhà mình, khi con bị điểm kém, mẹ không những không la mắng con, mà lại còn động viên con nữa mới lạ chứ! Như vậy không phải khác sao? Mẹ thở phào nhẹ nhõm.

Tối mùng 7 tháng 3 năm ngoái, mẹ được một bữa mắt nhoà đi khi đọc được thư của con viết.  Khoảng 10 h30 tối con gái đi sang phòng mẹ, rón rén đưa mẹ một bài văn " Viết thư cho mẹ" rồi nói mẹ đọc đi, con đi ngủ đây! Nàng hôn mẹ, chúc mẹ ngủ ngon  rồi chạy ngay về phòng mình chốt cửa. Mẹ hơi bất ngờ vì hành động kỳ lạ của con gái, cầm bài văn lên đọc, lá thư dài gần hết 3 trang giấy và ngân ngấn nước mắt. Con gái mở bài bằng một trích dẫn " Cảm ơn mẹ mỗi sáng mai thức dậy, con lại được nhìn thấy nụ cười của mẹ yêu!". Cảm ơn mẹ hàng sáng gọi con dậy bằng những lời yêu thương nhất! Mẹ ơi, con may mắn có một người mẹ tuyệt vời như vậy, mà chẳng hiểu sao lại có những lúc con lại cãi mẹ. Sau đó con lại thấy mình đã thật không phải với mẹ... Con yêu mẹ và lo lắng cho mẹ rất nhiều, vậy mà khi mẹ hỏi con là, con sợ nhất điều gì? Thì con lại nói là con sợ nhất là khi mẹ ốm! Không phải vì con sợ chăm sóc mẹ đâu. Mà lúc đó con thật sự bối rối và không biết làm thế nào để mẹ có thể khỏi ốm. Mẹ đã vất vả lo toan cuộc sống, lo cho con ăn học vậy mà con lại nói như vậy với mẹ...Bây giờ nghĩ lại con thấy mình thật ích kỷ vì con chỉ muốn mẹ là của riêng con mà thôi...  Con ước gì, bây giờ mẹ có thể tìm được một người có thể chia sẻ cùng mẹ những gánh nặng trong cuộc sống, chăm sóc mẹ những lúc mẹ ốm đau và giúp mẹ trả đỡ nợ nần... Bây giờ con mới hiểu, tình yêu mà mẹ dành cho con lớn biết nhường nào. Và con muốn nói với mẹ một câu: " Con sẵn sàng chia sẻ mẹ của con cho bất kể một người nào yêu thương mẹ!"

 Mẹ thổn thức một lúc lâu rồi mới nghĩ, hoá ra tất cả những câu nói của mẹ, kể cả đùa lẫn thật đều khiến con gái ghi nhớ ở trong lòng. Đó là một hôm hai mẹ con đang nằm nói chuyện với nhau, mẹ mới quay sang hỏi con gái, Con sợ nhất điều gì về mẹ? con gái rất vô tư trả lời, con sợ nhất mẹ ốm! Những lúc mẹ bị cảm nhưng vậy con sợ lắm, phải lấy chậu vào giường cho mẹ nôn, rồi bóp chân bóp tay cho mẹ mà mẹ vẫn không đỡ.  Mẹ liền quay mặt đi giận dỗi, à, hoá ra con sợ chăm sóc mẹ, vậy thì từ bây giờ trở đi, khi nào mẹ bị cảm, mẹ sẽ cố chịu đựng, nhất định sẽ không phiền đến con nữa! Vì con sợ phải chăm sóc mẹ mà! Rồi đến năm ngoái, khi nhà chú dì rủ hai mẹ con cùng đi câu cá vào dịp cuối tuần, mẹ đã từ chối không đi. Mẹ bảo, con đi câu cùng các em đi! Mẹ ở nhà cũng được! Con bảo rằng mẹ không đi thì con cũng không đi, vì con muốn đi có cả mẹ cùng đi. Tại sao mẹ lại không đi? Mẹ bảo con gái, trong đầu mẹ hiện nay công việc đang rất bề bộn, mẹ đang phải làm để trả nợ. Mà đi câu cá là đi thư giãn. Tinh thần phải thư thả, mà đầu mẹ đang rối tinh như vậy thì làm sao mà thư giãn được! Con gái liền hỏi mẹ, vậy thì khi nào mẹ trả nợ xong? mẹ bảo chắc cũng lâu con ạ! Thuận lợi thì một vài năm, còn nếu không thì cứ đi làm cả đời để trả nợ!  Con gái buồn bã hỏi mẹ, vậy thì con sẽ chẳng được đi câu cả đời này? Mẹ bảo con vẫn có thể đi, đi cùng các em và mọi người được mà, nhưng con gái vẫn nhất quyết không đi. Rồi có lúc mẹ hỏi đùa con là, mẹ lấy chồng nhé! Con gái bảo, không được, vì như vậy mẹ sẽ bớt yêu con...:)

Chiều hôm sau con gái đi học về, mẹ gọi điện về hẹn con tối nay hai mẹ con mình sẽ ra ngoài ăn tối, và ăn quán nào sẽ do con gái chọn. Con gái đã chọn được một quán con gái yêu thích để hai mẹ con mình cùng ăn tối. Trong bữa ăn mẹ liền kể cho con gái nghe vì sao sáng nào mẹ cũng rất kiên trì gọi con bằng tất cả những nickname vô cùng đáng yêu, như: Cún yêu ơi dậy đi!  Rồi cún lợn ơi dậy đi! hoặc chó con ơi dậy đi... có khi gọi hết tất cả các nick đáng yêu rồi mà vẫn chưa dậy thì sẽ gọi bằng tên, vậy là nàng sẽ hiểu sự kiên trì của mẹ nàng đã hết.
Hồi con học mẫu giáo, mẹ rất khổ sở vì mỗi sáng đi làm đều cảm thấy vô cùng mệt mỏi và không vui. Con gái gọi rất lâu mới dậy, dậy rồi lại mè nheo không ăn, rồi ăn được một chút lại nôn ra hết. Có những hôm mẹ cáu giận, rồi đi làm không vui cả buổi. Nghĩ mãi chưa biết chọn cách xử lý như thế nào, để mỗi sáng hai mẹ con có thể vui vẻ đến trường đến sở? Cho đến một hôm, mẹ vô tình đọc được một bài báo của một ông bố trẻ, kể câu chuyện giống tương tự trường hợp của hai mẹ con. " Đó là một buổi sáng hôm ấy,  công ty chú ấy có buổi họp quan trọng nên chú ấy ăn mặc rất chỉnh tề, áo sơ mi trắng là phẳng phiu thắt cà vạt. Ngồi ăn sáng cùng cậu con trai đang mè nheo chưa muốn đến trường vì ngái ngủ, ông bố trẻ giục mãi mà cậu con trai cứ kề cà mãi chưa xong, đã thế hí hoáy thế nào mà cậu làm đổ hết cốc cà phê vào áo của bố. Ông bố trẻ giận giữ quát mắng cậu con trai. Cậu con trai sợ hãi khóc lóc mãi mới nín. Khi ông bố thay được cái áo rồi vội vàng đưa con trai đi hoc. Đến trường thì con đã muộn học. Còn bố thì cũng không kịp tham dự buổi họp quan trọng của ngày hôm đó. Sau buổi hôm đó, ông bố trẻ suy nghĩ lại, giá như lúc con làm đổ cà phê vào áo, mình phản ứng nhẹ nhàng với con rồi đi thay áo ngay thì vẫn kịp đưa con đi học và mình vẫn kịp đến tham dự buổi họp ". Bông nghe xong liền nói, vậy thì con phải cảm ơn cái chú nào đó đã viết bài đó lên mới được.

Tối hôm đó, hai mẹ con đã có một buổi ăn tối thật tuyệt vời! "Lắng nghe và thấu hiểu". Bây giờ con gái đã lớn khôn thêm một chút. Mặc dù hai mẹ con mình không còn phải gào lên những câu như: Mẹ yêu con! Con yêu mẹ! hay con yêu mẹ một tỉ vân vân lần như trước đây. Nhưng trong lòng hai mẹ con mình vẫn hiểu rằng, tình cảm mẹ con mình là thiêng liêng nhất!

2 nhận xét:

  1. Vậy là em lại có thêm chị để học hỏi về kinh nghiệm giữa mẹ và con gái rồi! Con gái của chị thật đáng yêu và sâu sắc, em thích bài văn của cháu viết, nhất là câu cuối: "Và con muốn nói với mẹ một câu: "Con sẵn sàng chia sẻ mẹ của con cho bất kể một người nào yêu thương mẹ!"" - chứng tỏ con gái đã rất trưởng thành và biết nghĩ đến cảm nhận của mẹ (của người khác) nữa! Rất đáng tự hào, chị ạ! <3

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em! Quả thực chị cũng rất hài lòng về con gái. Cháu sống tình cảm và biết chia sẻ với mọi người. Mặc dù còn bé nhưng nàng cũng có lập trường riêng khi trao đổi với mẹ về một vấn đề gì đó của cuộc sống. Chị quan niệm rằng, sau này xã hôi VN có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì mình vẫn phải dạy con cái mình sống biết yêu thương chia sẻ,có lập trường vững vàng trong cs quá hỗn tạp xô bồ như hiện nay.

      Xóa