Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Chuyện nhỏ khó quên

                                                    
                             Có những chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng thật khó quên!

Ngày xưa, tôi đã từng là một trong những khách hàng quen thuộc ở chợ Thành Công. Từ thời sinh viên, tôi hay la cà vào chợ ăn quà vặt. Rồi đến khi đi làm, đi lấy chồng, tôi vẫn thường xuyên qua chợ mua thức ăn về nấu. Một phần vì chợ có nhiều thức ăn tươi, ngon, một phần vì cũng tiện đường đi làm về. Cho đến khi tôi không còn ở gần khu đó nữa, năm thì mười hoạ tôi mới ghé qua chợ đó mua thức ăn vào dịp cuối tuần.

Gần chục năm đi lại ở cái chợ này, tôi quen hết từng hàng bán hoa quả, hàng bán là thơm, hàng quà vặt, cho đến hàng thịt, hàng tôm, hàng cá ở chợ. Có một chuyện buồn cười, kể it người tin, trừ mấy bà bán cá ở chợ Thành Công ngày đó.
Một buổi chiều muộn cuối Thu, tôi đi làm về, ghé vào chợ mua thức ăn. Tôi tới hàng bán cá để mua cá về nấu canh chua. Trong lúc đứng đợi bà bán hàng làm cá cho tôi. Tôi bị một con cá lóc đang bơi trong cái chậu sắt to phi lên đớp đúng vào đầu gối, máu chảy rất nhiều, còn tôi thì khóc chảy nước mắt vì sợ. Không có bông băng ở đó, tôi lấy tạm giấy ăn rịt vào vết thương. Về nhà lấy cồn ra rửa, bốn vệt răng cá hằn sâu ở đầu gối. Giờ vẫn còn nguyên bốn vết sẹo răng cá. Bà hàng cá bảo tôi "tại cháu mặc váy đỏ nên nó mới nhảy lên như vậy" rồi vô tình nó đớp đúng phải cái đầu gối của tôi. Hôm sau mẹ chồng tôi ra chợ "bắt đền" bà hàng cá:).

Chuyện thứ hai

Vào một chiều Chủ Nhật cách đây bốn năm, hai mẹ con nhà  Bông đi chợ Thành Công mua đồ ăn về nhà nấu. Vừa đỗ xe bước vào cổng chợ, bỗng có tiếng một cô gái gọi, cô ơi, cô ơi! Ngập ngừng, bỡ ngỡ một lúc, rồi tôi cũng nhận ra ngay đó là cô bé ăn xin ở khu Thành Công ngày nào. Bây giờ trông cô bé đã cao lớn, phổng phao, đẫy đà. Cô bé nhanh nhảu cầm ngay một quả lựu và một chùm nho ở quầy hoa quả của mình rồi nói, cháu mời cô và em! Em nhà cô bây giờ đã lớn thế này rồi ạ? Rồi cháu liến thoắng kể, cháu đã lấy chồng rồi, bây giờ cháu đi bán hoa quả, chồng cháu hàng ngày đứng ở chợ lao động Thành Công Láng Hạ, ai có việc gì gọi thì đi làm. Hỏi thăm cháu vài câu rồi hai mẹ con vào chợ. Bông ngạc nhiên hỏi, mẹ ơi, ai đấy mẹ? sao chị ấy lại cho con hoa quả? tôi liền kể cho con gái nghe câu chuyện ngày xưa.

Vào đầu thập niên 90, khi đó tôi vẫn còn đang ở phố Hai Bà Trưng, nhưng thỉnh thoảng chạy xuống mấy quán ở phố Đê La Thành ăn quà vặt. Một tối, tôi xuống đó ăn quà, gọi một tô phở, người hơi mệt nên trệu trạo nhai vài miếng rồi đứng dậy kêu tính tiền. Vừa đứng dậy ra trả tiền thì một cô bé chừng năm hay sáu tuổi, mặt mũi lem nhem nhưng đôi má hồng hào, mũm mĩm vội xà xuống ngồi ăn tiếp bát phở của tôi một cách ngon lành. Tôi lặng người trong giây lát, đứng nhìn cô bé ăn một cách say sưa, chẳng thèm quan tâm xem xung quanh có ai để ý đến mình hay không. Chị chủ quán bảo tôi rằng, đó là cô bé ăn xin ở khu này, bố mẹ nó ở quê ra, chẳng chịu làm gì, suốt ngày đẻ đái, làm gì có nhà mà ở, suốt ngày ngủ vạ vật ở vỉa hè, để hai chị em nó bé thế này đi ăn xin nuôi cả nhà năm miệng ăn. Cô bé ăn xong vội đứng lên lấy tay quẹt miệng. Tôi đưa cho cô bé mấy đồng rồi đi. Một thời gian sau mỗi khi vào chợ Thành Công, tôi lại nhìn thấy cô bé, thỉnh thoảng tôi lại dúi cho nó mấy đồng. Mấy bà, mấy chị ở chợ bảo, không phải cho nó, con bé này láo lắm, ai không cho nó hay lẩm bẩm chửi trong miệng lắm đấy!
Vài năm sau, cô bé lớn thêm một chút, nó không còn đi ăn xin nữa mà cả ngày ở trong chợ, ai có việc gì cần sai thì nó làm. Hôm thì thấy nó lăng xăng xách nước cho mấy bà hàng cá, hôm thì thấy nó lễ mễ bê đồ cho mấy chị hàng rau, hàng thịt. Khi đó tôi đang mang bầu Bông, mỗi khi  vào chợ xách nhiều túi đồ, nó thường chạy theo và nói, cô để cháu xách hộ, hoặc có hôm nó bảo tôi để xe và đồ một chỗ để nó trông giúp mà đi mua tiếp. Có hôm tôi không còn tiền lẻ, tôi bảo nó, hôm nay cô chẳng có gì cho cháu, nó vẫn vui vẻ chào tôi trước khi đi.
Một thời gian sau nó chuyển sang làm phụ giúp cho một chị ở quầy thịt lợn, mỗi khi tôi đi qua nó lại đon đả mời tôi mua hàng. Thỉnh thoảng tôi cũng vào mua thịt ủng hộ nó. Rồi tôi không còn gặp nó cho đến buổi đi chợ cùng Bông hôm đó.

Cách đây vài tuần, trên đường về nhà, trời se se lạnh, tôi rủ con gái sà vào quán Cay ăn ốc. Trời nhá nhem tối, hai mẹ con đang cần mẫn nhảy ốc thì thấy một người phụ nữ địu con đi tới mời mẹ con tôi mua kẹo cao su, tôi ngẩng đầu lên thì nhận ra lại là cô bé đó. Nó bảo tôi là, từ khi cháu có bầu rồi sinh con, cháu không thể đi bán hoa quả được nữa, vì lời lãi chẳng là bao mà không có ai trông con hộ. Vậy nên nó lại chuyển sang đi bán kẹo cao su dong, tiện thể trông con luôn.
Trên đường về nhà, hình ảnh cô bé ăn xin mũm mĩm, nhanh nhẹn từ ngày nào cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi.

2 nhận xét:

  1. Chuyện kể của em hay quá, em tách nó ra thành 2 câu chuyện đi cho hay hơn. A thích nhân vật cô bé ấy. Vì theo anh, người ta làm nghề gì cũng được, nếu coi ăn xin là một nghề thì cũng có thể nói nhự thế (hic). Yêu lao động là cái đáng quí. A chỉ ghét nhất những kẻ lười nhác, không chịu lao động thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn lời góp ý quá chuẩn của anh! Lúc đầu em chỉ định kể câu chuyện thứ hai thôi ạ, vì từ hôm gặp lại cô bé, em cứ luôn nghĩ đến chuyện ngày đầu gặp cô bé.Em cũng rất quí cô bé, mặc dù hoàn cảnh sống như vậy mà vẫn luôn lạc quan, chăm chỉ, chẳng nề hà bất cứ việc gì.
    Chuyện thứ nhất là em tiện thể kể luôn đấy ạ,quả thực hai chuyện chẳng có liên quan gì đến nhau ngoài cái chợ :)

    Trả lờiXóa