Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Chuyện bây giờ mới kể(1)


Khi Bông chuẩn bị vào lớp một, mẹ rất đau đầu về chuyện lựa chọn trường học cho con. Tiêu chí đầu tiên của mẹ là, tiếng Việt phải chuẩn đã, rồi mới học đến tiếng nước ngoài, giờ học không quá sớm để mẹ còn thư thả đưa con gái đi học rồi mới đi làm, đỡ phải đi lang thang sớm. Hồi đó, tất cả các trường công lập đều bắt đầu học từ 7h30 sáng. Quá sớm cho một bé 6 tuổi mới đi học. Cuối cùng mẹ cũng tìm ra, duy nhất là trường Thực Nghiệm có giờ học bắt đầu từ 8 h.  Gọi điện đến trường hỏi thì được biết, nhà trường đang bán hồ sơ, mẹ vội vàng phóng đến trường Thực Nghiệm mua hồ sơ, chỉ còn lại vài bộ hồ sơ cuối cùng, may mà mẹ Bông vẫn kịp mua hồ sơ để xin học cho con gái.
Bông vào học tại trường Thực Nghiệm rồi mới thấy sự lựa chọn của mẹ là chính xác. Lớp một Bông may mắn được cô Cẩm Tú chủ nhiệm. Các con mới vào học nên tâm lý vẫn còn bỡ ngỡ, sợ hãi. Cô dịu dàng, ân cần chăm sóc các con. Khi mẹ gặp cô để trao đổi về việc, mẹ rất lo khi không dạy Bông biết đọc trước khi vào lớp một. Cô an ủi mẹ cứ yên tâm, như vậy bắt đầu học mới tốt, chứ học trước không đúng phương pháp cũng không hay. Môi trường học ở trường cũng rất tuyệt vời! Mẹ thích nhất là mỗi sáng đưa con gái vào lớp học, nhìn ngắm các con chơi đùa trong sân, rồi lại ra ghế đá ngồi nói chuyện với con gái thêm một lúc rồi mới thong thả đến văn phòng. Trên đường đến cơ quan, mẹ luôn có cảm giác rất vui để bắt đầu một ngày làm việc mới. Khi Bông học đến lớp hai, rồi lại lớp ba, các con vẫn quay về lớp mẹ Tú, nhờ mẹ tết tóc giúp mỗi khi ngủ trưa dậy tóc bị tuột.
Từ nhỏ mẹ đã dạy Bông về sự trung thực. Mẹ luôn nói với con gái, sau này cho dù xã hội thời  các con có phát triển đến đâu đi chăng nữa, thì trước tiên con phải có tính trung thực và biết chia sẻ với mọi người. Chẳng biết Bông "thấm" được đến đâu, nhưng khi viết văn nàng cũng thể hiện đúng như lời mẹ dặn. Đó là khi Bông học lớp ba hay lớp bốn gì đó. Cô giáo ra đề bài, em hãy kể về một việc tốt mà em đã làm.  Nàng kể rằng " Một sáng em đến lớp, vừa bước vào cổng trường em nghe thấy tiếng một em cùng trường khóc rất to goi mẹ. Em tiến lại gần và hỏi, vì sao em khóc? Em bảo rằng em không ăn sáng nên rất đói. Em liền lấy hộp sữa mẹ đã chuẩn bị sẵn cho em ở trong cặp ra đưa cho em uống, uống xong em không còn khóc nữa rồi đi vào lớp học. Hôm đó em rất vui vì đã làm được một việc tốt " Bài văn đó Bông được 7 điểm vì không xúc tích lắm . Tối về nàng rất ấm ức kể với mẹ. Mẹ ơi, lớp con có rất nhiều bạn làm văn "điêu" lắm nhé! Mà "điêu" như vậy mà cô vẫn cho điểm cao. Mẹ buồn cười vì cái định nghĩa văn " điêu" của con gái liền hỏi, thế nào là văn "điêu" hả con?  Nàng liền kể, hôm nay lớp con làm bài văn kể về việc tốt mà mình đã làm. Bạn B kể rằng, một hôm bạn A bị ốm em đưa bạn vào viện, rồi ở trong bệnh viện chăm sóc bạn, bón cho bạn từng thìa cháo....Bạn ấy có làm như vậy đâu mà lại viết như vậy, mà cô vẫn cho điểm cao hơn con? Trong khi đó, con viết theo đúng những gì con đã làm? Mẹ liền bảo, khi viết văn, có thể nhân cách hoá lên để cho bài văn thêm sinh động mà con. Nhưng nàng vẫn không đồng ý với quan điểm như vậy của mẹ.  Kiểu viết văn trung thực của nàng vẫn còn tiếp diễn đến tận cấp hai.

2 nhận xét:

  1. Wow, chuyện này thật thú vị.
    Mình từng là giáo viên văn, và cũng từng gặp những trường hợp như thế này.
    Thật tình mà nói, đề là đề văn. Cô giáo chấm văn chứ không chấm sự trung thực của học trò. Tuy nhiên,Bông đã rất đúng trong khi nhận xét là có bạn viết văn "điêu". Bạn ấy dùng từ rất đúng đó mẹ ơi.
    Tuy bài văn chỉ có 7 điểm. Nhưng sự trung thực thì đáng 10 điểm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bông bị ảnh hưởng từ mẹ đấy chị ạ. Ngày xưa em học văn cũng kém lắm, thiếu cảm xúc,nghĩ gì viết đấy nên ít khi được điểm cao:).

      Xóa